Văn hóa Yên Định

Truyền thống chống giặc ngoại xâm

Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh – Triệu Quốc Đạt chống lại nhà Ngô, làm cho “toàn thể Châu Giao chấn động”. Cuộc khởi nghĩa này là “đỉnh cao của phong trào nhân dân thế kỷ II – III, nổ ra ngay trong thời kỳ mà bọn đô hộ có lực lượng hùng mạnh, đã củng cố được ách thống trị trên đất nước ta và đang đẩy mạnh dã tâm đồng hóa của chúng”.

Đào Lang, người làng Bùi Đỉnh (Yên Phú) là tướng tài lập được nhiều công tích trong cuộc kháng chiến chống Tống (lần thứ nhất). Năm 1083 lại được cử làm chỉ huy công việc đào sông từ Đan Nãi đến Bà Hóa. Ông đã cho đào xong các kênh từ Đồng Cổ (Yên Thọ) qua Hà Xá, Làng Bùi (Yên Phú – Yên Giang) nối sông Mã với sông Cầu Chày và nhiều kênh khác, tạo nên hệ thống giao thông đường thủy hoàn chỉnh, thuận lợi cho đi lại và sản xuất nông nghiệp.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đầu thế kỷ XV, đã được nhân dân Yên Định hết lòng hưởng ứng. Ngô Kinh, người làng Đồng Phang (Định Hóa) vốn là gia thần của Lê Khoáng, cùng con là Ngô Từ, đều có công trong việc cung cấp lương thực cho nghĩa quân, do đó Lê Khoáng được phong là Thái phó, con được phong là Thái bảo.

Sự hy sinh của người phụ nữ thôn Phúc Trí (Yên Lâm) đã góp phần làm nên thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn. Ngoài việc cho người con trai duy nhất gia nhập nghĩa quân, bà còn tự mình thắp sáng ngọn đèn trên núi cao để báo cho Lê Lợi biết địch đang từ Đồn Trang, Bến Kiểu kéo đến, để nghĩa quân kịp thời đối phó. Nhiều địa danh như Vực Sống, Vực Sáng, Vực Bỏ trên sông Cầu Chày còn ghi lại những năm tháng gian khó của nghĩa quân Lam Sơn.

Ngoài ra, đây còn là nơi sinh ra Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, vợ của Lê Thái Tông, mẹ của Lê Thánh Tông – một vua hiền tài văn – võ song toàn.

Sự kiện quân Pháp đánh chiếm Thanh Hóa đã làm nổi lên tinh thần kháng chiến của nhân dân các địa phương trong tỉnh. Một hệ thống đồn lũy trên vùng đất rộng lớn ven sông Mã và con đường kéo dài từ huyện Yên Định lên Cẩm Thủy tới La Hán (Bá Thước), đã được hình thành. Trịnh Văn Nghi – tức Cai Văn (ở Đan Hạ – Yên Quý) đã xây dựng và giữ chốt tiền tiêu Đan Nê.

Nhằm đối phó với phong trào, Tướng Ornét đã phái Thiếu tá Tairion đem quân từ Nam Định vào Thiệu Hóa, vượt sông Chu tiến sâu vào Yên Định. Trong hơn 1 tháng (25-3 đến 26-4-1886) nhiều trận đánh đã diễn ra ác liệt giữa nghĩa quân và giặc Pháp trên đất Yên Định. Địch đã bị tiêu diệt nhiều tên trong các trận đánh ở An Lũy (Quán Lào) ngày 26-3 và các trận Cầu Si, Thạch Lẫm. Lê Đình Phơn (Cai Phơn quê Thiết Đanh), Quản Lĩnh (Kênh Khê), Lãnh Bốc (Bốc Cát) đóng quân ở Vạn Lại (gần Ngọc Lặc và Đa Nẫm – Yên Giang) đã tấn công giặc ở đồn Cầu Si diệt nhiều tên, trong đó có Tri huyện Điều, tay sai đắc lực của giặc Pháp. Để trả đũa, kẻ địch cho triệt hạ Bản Đanh, Làng Lào. Cai Phơn, Quản Lĩnh đã đem quân đánh địch ở Dộc Nghề, diệt nhiều tên rồi giao chiến với chúng ở gần Mau Tròn – cách đồn Cầu Si độ 1 km. Trong trận này Đốc Xáo (Thiết Đanh) đã anh dũng hy sinh; Cai Phơn sa vào tay giặc và bị giết.

Kể từ đây, địa hạt Thanh Hóa đã hình thành một số trung tâm kháng chiến mạnh, trong đó có Yên Định. Quan Hóa nằm giữa các lưu vực sông Mã, sông Chu, sông Cầu Chày đặt dưới sự chỉ huy của Trần Xuân Soạn, Hà Văn Mao. Các trung tâm này không dừng lại và đóng khung ở miền núi mà đã lan rộng xuống vùng đồng bằng.

Đến giữa năm 1886, các cuộc đấu tranh trên chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Nhu cầu tập hợp lực lượng, tổ chức phong trào theo quy mô lớn hơn trở nên cấp bách. Hội nghị Bồng Trung (Vĩnh Tân – Vĩnh Lộc) đã quyết định cử Phạm Bành, Đinh Công Tráng xây dựng cứ điểm Ba Đình (Nga Sơn), Hà Văn Mao phụ trách tổ chức cứ điểm Mã Cao (thuộc Yên Giang, Yên Phú ngày nay).

Chỉ huy cứ điểm Mã Cao ngoài Hà Văn Mao còn có Tôn Thất Hàm. Nhân dân các làng quanh khu vực đã hăng hái gia nhập nghĩa quân, trong đó có nhiều người tiêu biểu như Quản Khối (Cai Khối) người họ Trịnh Cảnh Thụy – làng Hổ Bái (Yên Bái), Trịnh Văn Nghị tức Cai Văn quê ở Đan Hạ, Tú Vanh quê ở Mao Lộc (Yên Định), Quản Bổng, Đội Kiên (người Mường ở Làng Mé, Yên Lâm), Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Văn Phúc ở Bùi Thượng (Yên Phú) và Trần Văn Trình ở Bùi Hạ (Yên Phú)…

Cuối năm 1886, thực dân Pháp đã huy động một lực lượng binh lực lớn tấn công vào cứ điểm Ba Đình. Dưới sự chỉ huy của Phạm Bành, Đinh Công Tráng, nghĩa quân đã đánh trả quyết liệt, giáng cho địch nhiều đòn nặng nề, phá vỡ vòng vây chuyển lên căn cứ Mã Cao, tiếp tục hoạt động, củng cố hệ thống đồn lũy, bố trí lại lực lượng chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới.

Nhằm tấn công vào Mã Cao, Đại tá Brisse đã giao cho Trung tá Dost đem quân theo hướng Bắc từ Hà Trung – Thạch Thành; Trung tá Mesanse đem quân vào Thiệu Hóa, lên Thọ Xuân; hai cánh quân này gặp nhau ở Bùi Hạ (Yên Phú) để chuẩn bị đánh vào căn cứ. Ngoài ra quân Pháp còn dành một lực lượng hộ tống binh thuyền chở vũ khí, lương thực theo sông Mã, qua ngã Ba Bông (Vĩnh Lộc), vào sông Cầu Chày (Yên Định) để tiếp tế cho hai cánh quân. Tổng số binh lực của Pháp tập trung tấn công Mã Cao lên tới 63 sĩ quan, 897 lính Pháp, 2.333 lính tập và 1.747 phu.

Chiến sự đã diễn ra quyết liệt trong ngày 2-2-1887. Quân Pháp bị lọt vào các ổ mai phục ở đồn chính và các đồn phụ, phải cầu cứu pháo binh yểm trợ. Ngoài Mã Cao, chiến sự còn diễn ra quyết liệt ở Hồ Sen, Cửa Bao. Khi đêm xuống, hai bên tạm ngừng chiến. Nghĩa quân được lệnh di chuyển sang Thọ Xuân, Ngọc Lặc.

Mặc dù đồn Mã Cao bị vỡ, nghĩa quân vẫn tiếp tục chiến đấu ở Thung Voi, Thung Khoai. Địch nghi binh ở phía nam, dồn lực lượng tấn công ở hướng đông – bắc, dùng bè mảng vượt sông Cầu Chày. Đồn Thung Voi bị rơi vào tay giặc. Nghĩa quân chuyển lên Thung Khoai, phục kích thắng lợi ở Cầu Tre (Thọ Xuân) bất ngờ tập kích dồn Yên Lược. Quân Pháp dồn lực lượng về đồn Cây Khế nhưng vẫn bị tập kích, sa vào bẫy chông đành phải rút lui. Ngày hôm sau chúng từ làng Phúc Địa vượt sông Cầu Chày, xuyên qua làng Me, tấn công vào đông bắc Thung Voi, buộc nghĩa quân phải rút sang Ngọc Lặc.

Chạm trán nảy lửa với nghĩa quân, địch phải thú nhận: căn cứ Mã Cao còn có thể củng cố lợi hại hơn căn cứ Ba Đình nhiều và chúng ta phải tỏ lòng kính phục xứng đáng với người chỉ huy đã tổ chức và biết lợi dụng địa hình và những phương tiện phòng thủ sẵn có một cách chính xác như vậy(8). Tinh thần chiến đấu ngoan cường của nghĩa quân đã để lại trong lòng nhân dân niềm cảm phục sâu sắc:

– Cửa Bao có lũy có hào

Cũng chờ giặc vào thử súng, thử tên.

– Hà Văn, Cầm Bá một đoàn

Cùng nhau gánh vác giang sơn nước nhà

Man dân như lối Thanh Hoa

Trung châu ít kẻ vượt ra bậc ngoài

Tiếc thay gặp vận suy mài

Xui nên hào kiệt thiệt tài kiết suy.

Tiếp nối truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân trong huyện, một số sĩ phu và văn thân ở Yên Định đã tìm con đường cứu nước theo xu hướng mới. Hà Phạm Huy, đậu cử nhân, từng bàn việc trong Quốc sử quán, sau ra làm Tri huyện. Ông là người Đan Nê (Yên Thọ), vì tính cương trực, hay làm thơ châm biếm Pháp và quan lại Nam triều nên cũng phải về hưu sớm.

Cử nhân Trịnh Bưu người làng Yên Định (Định Tân) là một nhà báo tài ba xuất hiện trên các tờ Thực Nghiệp, Khai Hóa, Thanh Nghệ Tĩnh tân văn. Cử nhân Lê Thực Đĩnh cũng thông qua thơ văn, nêu những tấm gương cao đẹp của các bậc yêu nước thương nòi.

Thật đáng tự hào với những trang sử chống thực dân Pháp hết sức vẻ vang của địa phương. Địa danh Mã Cao cùng bao tên tuổi của các thủ lĩnh, nghĩa quân và sĩ phu, văn thân trên đất Yên Định chắc chắn vẫn còn sống trong lòng quê hương đất nước. Nó đã tiếp nối truyền thống ngàn năm mà Bà Triệu, Ngô Thị Ngọc Dao đã từng viết lên những trang ngời sáng.

Lễ hội, tôn giáo

Tưởng nhớ đến công lao của tổ tiên là một mỹ tục đáng khích lệ. Hầu như làng nào cũng có đền, miếu, phủ, nghè để quanh năm hương khói. Nhiều đền thờ ở địa phương đã trở thành quốc miếu như đền Đồng Cổ (Yên Thọ) phụng thờ thần Trống đồng, nghè Hổ Bái (Yên Bái) thờ thần Hợp Lang – con Lạc Long Quân; phủ Lời (Yên Trung), nghè Đắc Lộc (Yên Thọ) thờ Lý Thường Kiệt, đền Khương Thượng thư (Định Thành), đền Đồng Phang (Định Hòa) thờ Ngô Thị Ngọc Dao, tiệp dư của Lê Thái Tông và là mẹ Lê Thánh Tông. Bên cạnh đó là hàng chục các đền miếu khác thờ các nhân thần, thiên thần được dựng lên ở Trịnh Điện, Thiết Đanh, Căng Thượng, Ngọc Vực, Duyên Hy. Nhiều ngôi đình bề thế được dựng lên ở Sét, Phù Hưng, Cẩm Trướng ngoài chức năng sinh hoạt cộng đồng, còn được dùng làm nơi thờ phụng thành hoàng hoặc sức mạnh siêu nhiên khác.

Các lễ, hội ở Yên Định là một hoạt động tiêu biểu về văn hóa – nghệ thuật. Từ những trò kéo chòa rào ở Điện Thượng, săn cuốc ở Huê, săn chim ở Kẻ Lào đến chọi voi ở Chiềng, vật ở Bộc được lưu truyền qua các đời, đều có trò diễn như trò khách trong hệ thống trò Chụt ở Thiết Đanh, trò Chèo tàu trong hệ trò Chiềng…

Tục ngữ – ca dao xuất hiện ở Yên Định là vốn quý trong kho tàng văn học dân gian, ghi nhận về những hiện thực thiên nhiên đầy khắc nghiệt nhưng cũng chứa đựng nhiều nét đẹp thân thương. Quê hương thực sự là những tình cảm thiêng liêng cao quý đọng lại qua các thế hệ và lớp người:

Đông Kinh có bức địa đồ

Có sông tắm mát, có hồ Ngọc Châu

Trước làng thì có bãi dâu

Đàng sau voi ngựa đứng đầu về am

Làng ta tục sĩ nhân thuần

Địa linh, nhân kiệt hồng quần kém ai…

– Chè Đồng Sông, bông Đồng Ải

– Đất Đào Ngang khoai lang thơm ngọt

(Yên Phú)

– Làng Bốc đi tát, làng Cát đi câu, làng Châu đan thúng

(Yên Lạc)

– Lũ Phong nước mắm, buôn trâu

Các bà, các chị buôn cau, buôn chè

(Yên Phong)

– Ra về én bắc, nhạn đông

Hai hàng châu lệ đẫm sông Cầu Chày

– Ra về em những nhớ mong

Hai hàng châu lệ đẫm sông Cầu Chày…

Bên cạnh đó, người dân Yên Định còn sáng tạo ra những làn điệu dân ca phong phú với hát đối đáp, hát ghẹo… Một số làng như Tràng Lang – Nam Trịnh; Quan Trì – Diên Thượng; Bái Thủy – Phúc Lập lại có hệ thống các bài hát kết chạ diễn tả lại cảnh ngộ hai làng giúp nhau khi hoạn nạn, coi nhau như chạ anh, chạ em.

Chuyện kể dân gian ở Yên Định cũng hết sức phong phú. Các sự tích đều xoay quanh các vị thiên thần, sơn thần, thủy thần, các nhân vật được thờ phụng ở các đền, miếu hoặc tên làng, xóm, cánh đồng, trận đánh, khúc sông.

Đạo Phật có mặt ở Yên Định chậm nhất vào thời nhà Đinh, dấu vết còn được ghi nhận ở chùa Hưng Phúc (Định Tiến). Từ thời nhà Lý đến Hậu Lê, đạo Phật phát triển mạnh với hệ thống các chùa ở Trịnh Lộc (Yên Phú), Quy Sơn (Định Hải). Đạo Phật ở đây có sự đan xen, hòa đồng rất rõ với tín ngưỡng dân gian.

Thiên Chúa giáo xâm nhập vào Yên Định từ thế kỷ XIX, chủ yếu là các làng dọc sông Mã, sông Cầu Chày như ở Định Công, Định Tân, Yên Phong, Quý Lộc, Yên Thịnh, Yên Thọ, Yên Thái, Định Tăng; ngoài ra còn có ở Định Tường, thị trấn Quán Lào, Yên Lâm. Nhiều giáo dân từ Nga Sơn, Quảng Xương và ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định đến Yên Định từ đầu thế kỷ XX, đã dựng lên một số họ đạo ở địa phương.

Các làng nghề truyền thống

Nghề nông là nghề chính của đại đa số nhân dân trong huyện. Chăn nuôi khá phát triển. Đây là khu vực có tiếng về nhiều trâu, bò giống tốt, nhất là các tổng Khoái lạc, Đan Nê. Một số vùng thuộc địa hình đồi núi như Yên Thọ, Yên Lâm, Định Công, Định Tiến, Định Thành, Định Hải nuôi nhiều dê. Cả huyện lại có đến 420 ha ao hồ, đầm hoang đã được khai thác để nuôi cá, trong đó có các hồ Cựu Mã giang (Yên Bái, Yên Trung), Mau Bưa (Yên Thái), Thắng Long (Yên Lâm), Sen (Yên Giang) là lớn hơn cả.

Nghề thủ công tuy cũng đa dạng, nhưng không phát triển mạnh, chủ yếu là nghề đan thúng, rổ rá… ở làng Châu, làng Cát (Yên Lạc), nghề nung gạch, ngói ở Cẩm Trướng (Định Công) và một vài ngành nghề nhỏ, lẻ khác.

Buôn bán có lẽ ra đời sớm, có những điều kiện phát triển để hỗ trợ cho nền kinh tế tiểu nông ở địa phương vốn đã khép kín. Vùng Đan Nê xưa đã được sách Đại Nam nhất thống chí mô tả như là một trung tâm thương mại khá sầm uất, vì có “bến đò cổ, dân cư buôn bán khá đông. Đó cũng là nơi đô hội của vùng Ái Châu vậy”. Thời nhà Nguyễn, Yên Định đã có 3 chợ lớn: chợ Sét, chợ Yên Định (Định Tân) và chợ Bái Châu, đến nay hệ thống chợ trong huyện được mở hầu hết khắp địa bàn.

Ngoài hai thị trấn, Yên Định còn có nhiều thị tứ phân bổ khắp trong huyện như ở Yên Lâm, Yên Tâm, Yên Bái, Kiểu, Đồn Trang, Sét, Dền, Cầu Si, Cẩm Trướng. Hầu như xã nào cũng có chợ(4). Hệ thống chợ và nhịp độ buôn bán, trao đổi ở các thị trấn, thị tứ, chính là bộ mặt của hoạt động thương mại của Yên Định.

Ca dao, tục ngữ

Tục ngữ – ca dao xuất hiện ở Yên Định là vốn quý trong kho tàng văn học dân gian, ghi nhận về những hiện thực thiên nhiên đầy khắc nghiệt nhưng cũng chứa đựng nhiều nét đẹp thân thương. Quê hương thực sự là những tình cảm thiêng liêng cao quý đọng lại qua các thế hệ và lớp người:

Đông Kinh có bức địa đồ

Có sông tắm mát, có hồ Ngọc Châu

Trước làng thì có bãi dâu

Đàng sau voi ngựa đứng đầu về am

Làng ta tục sĩ nhân thuần

Địa linh, nhân kiệt hồng quần kém ai…

– Chè Đồng Sông, bông Đồng Ải

– Đất Đào Ngang khoai lang thơm ngọt

(Yên Phú)

– Làng Bốc đi tát, làng Cát đi câu, làng Châu đan thúng

(Yên Lạc)

– Lũ Phong nước mắm, buôn trâu

Các bà, các chị buôn cau, buôn chè

(Yên Phong)

– Ra về én bắc, nhạn đông

Hai hàng châu lệ đẫm sông Cầu Chày

– Ra về em những nhớ mong

Hai hàng châu lệ đẫm sông Cầu Chày…

Bên cạnh đó, người dân Yên Định còn sáng tạo ra những làn điệu dân ca phong phú với hát đối đáp, hát ghẹo… Một số làng như Tràng Lang – Nam Trịnh; Quan Trì – Diên Thượng; Bái Thủy – Phúc Lập lại có hệ thống các bài hát kết chạ diễn tả lại cảnh ngộ hai làng giúp nhau khi hoạn nạn, coi nhau như chạ anh, chạ em.

Chuyện kể dân gian ở Yên Định cũng hết sức phong phú. Các sự tích đều xoay quanh các vị thiên thần, sơn thần, thủy thần, các nhân vật được thờ phụng ở các đền, miếu hoặc tên làng, xóm, cánh đồng, trận đánh, khúc sông.